Trang Đầu | Mục Lục | Bài 2 >> | Hướng Dẫn

Bài 1

1:1-2 ÂN SỦNG VÀ BÌNH AN

1 Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ của Đức Chúa Jêsus Christ, gởi cho các thánh đồ ở thành Ê-phê-sô, cho những kẻ trung tín trong Đức Chúa Jêsus Christ. 2 Nguyền xin ân điển và sự bình an được ban cho anh em từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ!

 

1. Phao-lô viết: “Theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ Đức Chúa Giê-xu Christ,”  ông muốn nhấn mạnh đến điều gì? Tại sao?

2. Xin cho biết ý nghĩa của chức vụ “sứ đồ”?

3. “Thánh đồ ở thành Ê-phê-sô” chỉ về ai? Tại sao họ được gọi là “thánh đồ”?

4. “Những kẻ trung tín trong Đức Chúa Giê-xu Christ” (c. 1b) nhấn mạnh điều gì?

5. Xin đọc Công vụ 19:8-12 và cho biết chức vụ của Phao-lô tại Ê-phê-sô.

5. Xin giải thích những chữ “ân điển” và “bình an.” “Được ân điển và sự bình an” là được điều gì?

6. “Ân điển” và “bình an” đến từ đâu?

 

Lối viết thư thông thường trong thế kỷ thứ nhất bắt đầu với tên người viết, tên người nhận và lời chào hay lời chúc đầu thư. Phao-lô đã viết theo khuôn mẫu nầy, nhưng trong phần nói về người viết, ông nhấn mạnh về vai trò sứ đồ của mình:

Phao-lô, theo ý muốn Đức Chúa Trời, làm sứ đồ Đức Chúa Jêsus Christ (c. 1)

Theo ý muốn Đức Chúa Trời cho thấy ông nhận chức vụ sứ đồ trực tiếp từ Đức Chúa Trời qua kinh nghiệm gặp Chúa và được Ngài sai phái làm sứ đồ, chức vụ sứ đồ của ông đến từ Đức Chúa Trời.

Sứ đồ nói đến thẩm quyền từ Đức Chúa Trời. Điều kiện để làm sứ đồ là: (1) Thấy Chúa Giê-xu (I Cô-rinh-tô 9:1). (2) Được bổ nhiệm (“lập,” Mác 3:14). Phao-lô đã được Chúa hiện ra trên đường đến Đa-mách, ông đã thấy Chúa (Công vụ 9:3-6; I Cô. 15:3-10; Ga-la-ti 1:15-16) và được Ngài bổ nhiệm (Ga-la-ti 1:11-12; 2:7). Phao-lô viết thư Ê-phê-sô với thẩm quyền sứ đồ nên đây là lời đến từ Đức Chúa Trời.

Thánh đồ trong nguyên văn chỉ là “thánh”: Gửi cho các thánh ở thành Ê-phê-sô. Người tin Chúa được gọi là “thánh” vì được biệt riêng ra cho Chúa, sống cho mục đích của Ngài. Phao-lô dùng danh hiệu nầy trong hầu hết các thư của ông, nhắc nhở chúng ta về địa vị cao quý và đặc biệt Chúa ban cho chúng ta trong trần gian, hầu sống xứng đáng với danh hiệu nầy (Giăng 17:15).

Phao-lô cũng gọi độc giả là những kẻ trung tín trong Đức Chúa Giê-xu Christ (c. 1b). Trung tín có hai nghĩa: (1) Người tin Chúa. (2) Người kiên trì trong đức tin. Vì đi ngay sau chữ thánh đồ chỉ về người tin Chúa nên những kẻ trung tín đồng nghĩa với các thánh đồ, cả hai đều chỉ về các tín đồ tại Ê-phê-sô. Tuy nhiên, trung tín cũng hàm ý nói phải kiên trì trong đức tin, tiếp tục bước đi trong đức tin.

Phao-lô đến Ê-phê-sô lần đầu trong cuối hành trình truyền giáo thứ hai (Công vụ 18:19-21). Ông trở lại Ê-phê-sô trong hành trình truyền giáo thứ ba và giảng dạy tại đây suốt hai năm (Công vụ 19:8-12). Ê-phê-sô trở thành trung tâm truyền giáo cho toàn vùng A-si (Tiểu Á – Công vụ 19:10). Một số các thủ bản (manuscript) không có chữ ở thành Ê-phê-sô trong câu 1. So sánh với Cô-lô-se 4:16, Thư Ê-phê-sô có thể là hình thức một lá thư luân lưu, gởi cho nhiều Hội Thánh, không ghi rõ gởi cho ai để nhiều Hội Thánh được đọc. Thư gởi cho Hội Thánh Lao-đi-xê (Cô-lô-se 4:6) cũng có thể là Thư Ê-phê-sô. 

Tiếp theo là lời chào đầu thư với hai chữ ân điểnbình an (c. 2). Trong tiếng Hy-lạp, hai chữ “chào” và “ân điển” rất gần nhau (chareincharis). Lẽ ra Phao-lô phải dùng chữ charein là lời chào (như lời mở đầu Thư Gia-cơ) nhưng ông đã đổi charein thành charis để nhấn mạnh về giáo lý ân sủng trong Đạo Chúa. Ân sủng hay ân điển là ơn ban cho người không đáng được nhận. Đây là căn bản của sự cứu rỗi Chúa dành cho chúng ta (Ê-phê-sô 2:8). Đây là lời chào, lời chúc thích hợp cho người tin Chúa. Bình an (shalom) là lời chào của người Do-thái trong mọi trường hợp: gặp nhau, từ giã, chúc nhau… Bình an nói đến sự hưng thịnh, lành mạnh của toàn thể con người (III Giăng 2).

Cả hai từ ân điểnbình an vì vậy rất thích hợp cho người tin Chúa, đây là căn bản cũng như kết quả của sự cứu rỗi trong Chúa Giê-xu. Chúng ta được cứu bởi ân sủng của Chúa, không do công sức, công đức hay cố gắng của con người. Khi đã được cứu, chúng ta tận hưởng bình an, hài hòa trong mối quan hệ với Chúa, với người và với chính mình (bình an trong tâm hồn).

Nguồn của ân điển và bình an là:

Từ nơi Đức Chúa Trời, Cha chúng ta và từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ (c. 2b)

Đức Chúa Trời được mô tả là Cha chúng ta, nói lên mối quan hệ Cha-con giữa Đức Chúa Trời và người tin Chúa (Giăng 1:12). Những chữ: Và Đức Chúa Giê-xu Christ tiếp ngay sau, cho thấy Chúa Giê-xu cũng là nguồn của ân điển và bình an, Ngài là một với Đức Chúa Trời: Chúa Giê-xu chính là Đức Chúa Trời. Đức Chúa Giê-xu Christ được nhắc đến ba lần trong lời mở đầu cho thấy Chúa Giê-xu là trọng tâm của Hội Thánh (chủ đề của Thư Ê-phê-sô). Ngài cũng là trọng tâm trong đời sống người tin Chúa.